5 mẹo loại bỏ sự trì hoãn: Thói quen giết chết sự thành công của bạn

5 mẹo loại bỏ sự trì hoãn: Thói quen giết chết sự thành công của bạn

·

3 min read

Hôm nay bạn đã quyết tâm sẽ hoàn thành nốt cuốn sách còn dang dở nhưng bỗng dưng lại nhận được lời mời cafe hấp dẫn, hoặc cảm thấy mệt mỏi sau một ngày làm việc căng thẳng, và tặc lưỡi “thôi để mai đọc nốt”.

Và sự trì hoãn cứ thế kéo dài từ ngày này qua ngày khác khiến sự quyết tâm của bạn bị “thui chột” trầm trọng, từ đó bạn trở nên lười biếng trong việc thực hiện mục tiêu của mình, Đọc Sách Nhanh sẽ gợi ý 5 tips giúp bạn loại bỏ thói quen xấu này nhé!

1. Hãy nghĩ đến hậu quả

Một ví dụ dễ thấy nhất về sự trì hoãn là “ngủ cố”. Bạn đặt báo thức 6h nhưng đến 7h mới dậy được. Cưỡng lại ham muốn ngủ tiếp thật khó. Tuy nhiên, nếu trước khi đi ngủ bạn nghĩ thật nhiều về hậu quả của việc dậy muộn ví dụ như không đủ thời gian để hoàn thành deadline, đi học muộn bị đứng ngoài, xấu hổ với bạn bè,… thì sáng hôm sau, quyết tâm dậy sớm sẽ lớn hơn nhiều.

Khoa học đã chứng minh suy nghĩ lặp đi lặp lại sẽ ăn sâu vào tiềm thức, từ đó ảnh hưởng đến hành động.

2. Đừng đặt mục tiêu quá xa vời Nếu bạn tự nhủ:

“Một năm nữa tôi sẽ đạt 9.0 IELTS” và chỉ dừng lại ở đó thì cơ hội cho bạn hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn gần như là con số 0 tròn trĩnh. Ngày mai, bạn sẽ nghĩ rằng “Mình còn một năm nữa, chẳng có gì đáng lo”. Ngày hôm sau, suy nghĩ ấy sẽ lặp lại và bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được điều mình mong muốn. Nhưng thay vào đó bạn có thể đặt ra những mục tiêu nhỏ hơn như: “Ngày mai tôi sẽ làm 2 bài đọc, 2 bài nghe” hay “Một tuần nữa tôi sẽ làm hết quyển bài tập luyện thi IELTS này”,… – những mục tiêu ngay trước mắt mà bạn không thể viện cớ chối từ.

Để đi đến một cái đích lớn, hãy đặt ra những cái đích nhỏ hơn và hoàn thành nó thật nghiêm túc!

3. Tạo niềm vui từ những việc nhỏ nhất

Đôi khi con đường đến với cái đích lớn quá dài khiến bạn dễ dàng nản chí. Bạn cảm thấy những công việc trước mắt thật khô khan và thực hiện nó như thể bị ép buộc. Những lúc như thế, hãy cố gắng tạo ra những niềm vui nho nhỏ như bật một list nhạc yêu thích và tự nhủ rằng khi nó kết thúc thì bạn cũng sẽ hoàn thành công việc của mình.

Niềm vui sẽ tiếp thêm tình yêu với công việc, tạo ra sức mạnh thắng lại lực cản của sự trì hoãn.

4. Thường xuyên tự nhắc nhở bản thân

Hãy viết thật nhiều giấy nhớ về công việc cần làm, sử dụng từ ngữ đầy thôi thúc, hừng hực khí thế và dán ở tất cả những nơi mà bạn hay lui tới. Điều đó giống như lời thúc giục của mẹ, lặp đi lặp lại hàng chục lần và khiến ta gần như phát điên. Cho dù lần đầu tiên có thể tảng lờ đi nhưng đến lần thứ hai, thứ ba,… sự trì hoãn của bạn chắc chắn sẽ phải ngoan ngoãn quy phục.

5. Đề nghị một người kiểm tra bạn

Chúng ta đều dễ dàng thỏa hiệp với bản thân mình. Khi tự đặt ra mục tiêu, ta sẽ viện dẫn ra rất nhiều lý do để trì hoãn. Thế nhưng, khi có người kiểm tra mà bạn không hoàn thành, bạn sẽ bị mất chữ tín, mất thể diện. Và để tránh việc đó xảy ra, bạn sẽ không còn cách nào khác ngoài tự chấm dứt sự trì hoãn của mình.

Thanks Quản trị Nhân sự