Giả sử một ngày nào đó loài người đột ngột biến mất thì Trái đất sẽ như thế nào?
Nhiều bộ phim tài liệu đã chỉ ra rằng khi con người đột ngột biến mất, sẽ chẳng có loài động vật hoang dã nào cảm thấy khó chịu hay mất mát. Ngược lại, chúng sẽ nhanh chóng chiếm lấy không gian nơi con người sinh sống. Còn những con vật do con người nuôi dưỡng thì thật xui xẻo, vì về cơ bản chúng không thể sống thiếu con người.
Một thế giới sau sự biến mất của loài người sẽ trông giống bức ảnh dưới đây.
Các thành phố của con người sẽ hoang phế nếu không có ai sinh sống.
Sau đó, các thành phố của con người sẽ nhanh chóng bị bao phủ bởi thảm thực vật, và một số loài động vật thậm chí sẽ tới sống trên những tàn tích của con người. Con người tuy không còn, nhưng đâu đâu cũng có dấu vết của con người.
Tuy nhiên, đó chỉ là những suy diễn và tưởng tượng trong khoảng thời gian từ hàng vạn đến hàng triệu năm, sau khi loài người mất tích. Đó là thời điểm vẫn còn sót lại rất nhiều đồ vật và dấu tích của loài người. Nhưng sau hàng tỉ năm nữa, loài người chúng ta sẽ còn lại dấu vết gì?
Nhựa có tồn tại mãi?
Nhiều người nói rằng sau khi con người đột ngột biến mất, một số lượng lớn các sản phẩm từ nhựa sẽ còn lại trên Trái đất. Nhưng trên thực tế, người ta ước tính nhựa sẽ là vật thể nhân tạo đầu tiên bị phân hủy. Lý do rất đơn giản, bởi đó là một chất hữu cơ, về cơ bản giống như máu thịt của con người. Và có thể trong chưa đầy 500 năm, nhựa do con người tạo ra sẽ bị phân hủy đến khô kiệt.
Nhựa sẽ không tồn tại vĩnh viễn.
Lâu nay, chúng ta hay cho rằng nhựa rất khó phân hủy vì thường xét trên mốc tính là tuổi thọ của con người, và tốc độ phân hủy của nhựa không thể theo kịp độ phân hủy của thực phẩm trong cuộc sống hàng ngày. Rõ ràng, bởi một người không thể đợi đến khi nhìn thấy nhựa bị phân hủy một cách tự nhiên. Tuy nhiên, nhựa cũng là một chất hữu cơ. Nó là một chất hữu cơ polyme được hình thành trên cơ sở các chuỗi cacbon, giống như protein và chất béo trong cơ thể chúng ta. Và chỉ cần các chuỗi cacbon bị phá hủy thì chúng sẽ không thể tiếp tục tồn tại.
Đương nhiên, nhựa có thể bị phân hủy, nhưng với tốc độ rất chậm. Và sự “nhanh chậm” này còn dựa vào hệ quy chiếu, bởi nếu đặt nó vào dòng thời gian của Trái đất, thì việc phân hủy nhựa cũng là chuyện của “vài giây, vài phút" mà thôi.
Chỉ vài trăm năm, nhựa sẽ gần như biến mất.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các sinh vật phân hủy trong tự nhiên thực sự có thể sử dụng bất kỳ chất hữu cơ nào làm nguyên liệu thô. Sự biến mất đột ngột của con người quả thực sẽ để lại rất nhiều nhựa trong một thời gian, chúng có thể bị chôn vùi hoặc bị các loài động vật khác xử lý. Nhưng cuối cùng, chúng vẫn không thoát khỏi số phận bị phân hủy.
Chất dẻo hay nhựa, được coi là thứ đại diện nhất của con người, hóa ra cũng chỉ có thể tồn tại trong 500 năm đầu tiên sau khi loài người tuyệt chủng. Sau đó, trong trường hợp các nền văn minh trên hành tinh khác tìm thấy Trái đất vào thời điểm đó, các chất dẻo đã không còn tồn tại nữa. Không chỉ nhựa, mà tất cả các chất hữu cơ do con người tạo ra sẽ không còn tồn tại, và chỉ một lượng nhỏ chất hữu cơ có thể để lại một ít dấu vết trên mặt đất, trong những trường hợp vô tình.
Thủy tinh có tồn tại vĩnh viễn?
Vì tất cả các chất hữu cơ sẽ bị phân hủy, vậy nên chất vô cơ do con người tạo ra chắc chắn sẽ tồn tại? Các nhà khảo cổ học không phải đã phát hiện ra nhiều chai và lọ của người cổ đại hay sao?
Nếu quả thật vậy, những sản phẩm thủy tinh mà con người chúng ta sử dụng ngày nay chắc chắn sẽ được bảo tồn, và cuối cùng sẽ trở thành những di vật văn hóa được các nền văn minh khác khai quật.
Lọ thủy tinh từ thời La Mã cổ đại.
Về mặt lý thuyết, các chất vô cơ như thủy tinh có nhiều khả năng tồn tại trong dòng thời gian dài hơn các chất hữu cơ, vì không có vi sinh vật nào có thể phân hủy chúng. Tuy nhiên, thủy tinh rất dễ vỡ, và nó cũng dễ bị ăn mòn bởi các yếu tố địa vật lý khác.
Gió và nước có thể mài mòn thủy tinh ở dạng hạt theo thời gian. Bãi biển Glass ở California là một ví dụ, vào những năm 1950 và 1960, bãi biển này là nơi chất đống các chai lọ thủy tinh bỏ đi. Nhưng dưới sự rửa trôi của nước biển, những chai thủy tinh đã được mài nhẵn thành những viên sỏi màu sắc long lanh, rồi biến thành cát trên bãi biển.
Thủy tinh cũng sẽ bị ăn mòn theo thời gian.
Do đó, sau khi con người biến mất, các sản phẩm thủy tinh tiếp xúc với không khí và nước có khả năng không thể tồn tại. Số phận của chúng cũng giống như những chai lọ vứt trên bãi biển ở California. Chúng sẽ bị phong hóa, rửa sạch, cọ xát và cuối cùng biến thành các hạt thủy tinh, tồn tại trong lòng đất. Và nếu không có kính hiển vi, những dấu vết này của thủy tinh về cơ bản là không thể nhìn thấy được.
Còn những đồ vật bằng thủy tinh nếu may mắn được chôn trong đất sẽ tồn tại lâu hơn. Nếu may mắn hơn một chút, chúng có thể sẽ được lưu giữ trong lòng đất hàng triệu năm như công cụ của người xưa.
Tuy nhiên, nó cũng sẽ không bao giờ tồn tại được trong hàng tỷ năm nữa. Bởi vì vỏ trái đất sẽ trải qua vô số thay đổi và thủy tinh bên trong nó cũng sẽ tham gia vào quá trình chuyển động này.
Sơ đồ chuyển động của lớp vỏ Trái đất
Lớp vỏ tưởng chừng như rất cứng của Trái đất, thực ra lại rất "mềm". Nó giống như một chất dẻo bị bóp và ép lại liên tục. Nhiều mảng địa hình trên Trái đất bị ép ra, dễ hình dung nhất là các đỉnh núi có nếp gấp. Trong quá trình này, vật chất bên trong vỏ trái đất cũng sẽ bị ép lại thành từng mảnh, đó là lý do tại sao nhiều hóa thạch của sinh vật cổ đại không thể bảo tồn một cách hoàn thiện.
Do đó, thời gian tồn tại lâu nhất của những món đồ thủy tinh do con người để lại có thể lên tới hàng trăm triệu năm nhưng phải đáp ứng nhiều điều kiện. Thứ nhất là chôn trong đất, để không bị ăn mòn vật lý ngay từ đầu. Thứ hai là nơi chôn không được có mạch nước ngầm, nếu không chúng có thể bị xói mòn bởi nước chảy. Cuối cùng, lớp vỏ địa chất của nơi chôn phải rất ổn định, không dễ xảy ra động đất bất cứ lúc nào.
Chỉ những món đồ thủy tinh đáp ứng được 3 điều kiện trên mới có thể bảo quản hàng trăm triệu năm. Tất nhiên, xét cho cùng, chúng sẽ không tồn tại sau hàng tỷ năm nữa, bởi vì những thay đổi của lớp vỏ Trái đất cũng có thể làm mài mòn nó thành các hạt thủy tinh, dù việc này chậm hơn cả gió và nước.
Kim loại thì sao?
Nếu nhựa và thủy tinh không thể tồn tại hàng tỷ năm thời gian, vậy kim loại có thể làm được điều đó không? Đặc biệt là các kim loại như thép không gỉ (inox) và hợp kim titan do con người tạo ra có khả năng chống ăn mòn.
Nếu nghĩ theo cách này, thực sự chỉ có thể nói rằng, bạn vẫn đang coi thường và không biết gì về sức mạnh của đất mẹ.
Inox cũng chẳng thể nào vĩnh cửu.
Trên thực tế, khái niệm chống ăn mòn của kim loại cũng giống như việc chất dẻo khó phân hủy, vẫn chỉ xét từ góc độ tuổi thọ của con người. Trong một trăm năm nữa, con người khó có thể thấy thép không gỉ bị rỉ sét hay nhựa bị phân hủy. Nhưng điều này không có nghĩa là hai thứ này là vĩnh cửu.
Inox cần được bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo không bị rỉ sét. Sau khi con người biến mất, những món đồ bằng inox cũng sẽ bị bụi bẩn bao phủ. Dưới nắng gió, lớp màng bảo vệ trên bề mặt sẽ sớm mất tác dụng, và kim loại bên trong lộ ra ngoài sẽ bị oxy hóa. Nếu bị chôn vùi dưới lòng đất, nó cuối cùng sẽ trở thành một phần của quặng sắt dưới sự chuyển động của vỏ trái đất. Và hóa ra, cái gì đến từ đâu, cuối cùng sẽ trở về nơi cũ.
Tuy nhiên, có một số kim loại có thể tồn tại lâu dài. Đó chính là một số thành phần kim loại bên trong các sản phẩm điện tử. Điều này không phải vì chúng có khả năng chống ăn mòn cao, mà là vì chúng được bọc trong các tấm silicon. Bảng mạch và chip mà chúng ta thường nói tới, thực chất là những sợi dây kim loại được kẹp giữa các tấm silicon. Mục đích của việc này là để kéo dài tuổi thọ của kim loại. Thành phần chính của các tấm silicon (wafer) là silicon dioxide, đây cũng là thành phần chính của cát và đá trong tự nhiên. Đó là lý do nó có thể tồn tại lâu dài trên Trái đất.
Các bo mạch thường nằm bên trong các sản phẩm điện tử. Sau khi con người biến mất, các thiết bị điện này cũng sẽ để lại trong tự nhiên. Vỏ bên ngoài có thể bảo vệ chúng trong một thời gian nhất định. Sau đó, các bảng mạch và chip này sẽ bị phong hóa và ăn mòn sau khi tiếp xúc với không khí và nước. Nhưng silicon không sợ điều này, vì vậy các thành phần kim loại được nó bao bọc sẽ tồn tại lâu hơn các kim loại nguyên chất. Nếu may mắn được chôn xuống đất ngay từ đầu, những nguyên tố kim loại này có thể được lưu giữ hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm.
Số phận của các tòa nhà, công trình kiến trúc
Hầu hết các công trình kiến trúc của con người đều tạo ra bởi kết cấu bê tông cốt thép. Sau khi con người biến mất, các loại dây leo sẽ nhanh chóng chiếm giữ chúng, và nếu không có sự bảo dưỡng của con người, các tòa nhà cao tầng sẽ sớm sụp đổ.
Dưới tác dụng của gió và nước, một phần xi măng sẽ hòa vào đất đá, phần xi măng còn lại với khối lượng tương đối lớn sẽ tự tạo thành đá một cách đơn giản. Các thanh thép bên trong cũng sẽ kết thúc giống như hầu hết các kim loại khác, đi sâu vào vỏ trái đất để trở thành quặng sắt.
Xi măng hóa ra có thể tồn tại lâu hơn bạn nghĩ.
Nhưng, nếu bạn nghĩ rằng số phận của xi măng cũng bị xóa sổ thì thật sai lầm. Đừng coi thường lượng xi măng có trên thế giới này. Ngoài những công trình được xây dựng bằng xi măng, chúng ta cũng đã tạo ra rất nhiều xi măng trên mặt đất như đường xá, quảng trường...
Trước hết, các loại xi măng này phải mất một thời gian dài để bị phong hóa và ăn mòn, lâu hơn cả thủy tinh và các chất khác. Thứ hai, ngay cả khi chúng đã trở thành một phần của vỏ trái đất, thì thành phần của xi măng vẫn rất khác biệt so với đất đá trong tự nhiên.
Để rõ hơn thì thành phần hóa học chính của xi măng bao gồm canxi oxit (CaO), silicon dioxide (SiO2), oxit sắt (Fe2O3) và oxit nhôm (Al2O3), cũng như tricalcium silicate (3CaOSiO2), dicalcium silicate (2CaOSiO2), tricalcium aluminate (Ca3Al2O6) và tetracalcium aluminoferrite (C4AF).
Kỷ Phẩn Trắng được đặt tên theo yếu tố địa chất.
Lớp vỏ Trái đất sẽ ghi lại vật chất của một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ kỉ Phấn trắng trong quá khứ được đặt theo tên của đá phấn tồn tại với số lượng lớn trong thời kì đó. Và nếu cắt lớp vỏ bên dưới ra, chúng ta sẽ thấy đá và đất của các thời kỳ khác nhau xếp chồng giống như bánh kẹp, thành từng lớp một. Vì vậy, xi măng của con người cũng sẽ tạo ra một lớp trong vỏ trái đất. Nếu các nền văn minh khác đào được nó, có thể họ sẽ được đây là “Thời kỳ xi măng”, cái tên dành riêng cho kỷ nguyên của con người, giống như kỷ Jura và kỷ Phấn trắng thuộc về khủng long.
Chất thải hạt nhân
Con người sử dụng năng lượng hạt nhân chủ yếu thông qua phản ứng tổng hợp hạt nhân và phản ứng phân hạch hạt nhân. Trong đó, nguyên liệu chính để tổng hợp hạt nhân là hydro và các đồng vị của nó, còn nguyên liệu để phân hạch chủ yếu là nguyên tố có khối lượng nguyên tử nặng là uranium. Uranium thường tồn tại trong tự nhiên dưới dạng ba đồng vị U238, U234 và U235. Và trên hết, có 12 đồng vị nhân tạo của uranium không tồn tại trong tự nhiên. Ngoài ra, uranium là một nguyên tố phóng xạ có chu kỳ bán rã dài từ 100.000 đến 4,5 tỷ năm.
Do đó, sau khi con người biến mất, các nhà máy điện hạt nhân sẽ tự phát nổ do không được quản lý và sửa chữa, từ đó rò rỉ hạt nhân. Các đồng vị uranium tự nhiên và nhân tạo này sẽ đi vào môi trường, sau đó tiếp tục trải qua các phản ứng phân hạch. Để minh chứng, người ta đã tìm thấy một lò phản ứng hạt nhân tự nhiên ở Châu Phi, đã xảy ra phản ứng trong 2 tỷ năm qua và vẫn tiếp diễn. Do đó, chất thải hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân của con người sẽ tồn tại trên Trái đất hàng tỷ năm.
Chất thải hạt nhân cần thời gian dài để phân hủy.
Năng lượng hạt nhân là khoa học kỹ thuật cao nhất của con người và nó cũng sẽ trở thành dấu ấn lâu dài nhất của chúng ta trên Trái đất. Trình độ văn minh của con người có thể không cao nếu so trong toàn vũ trụ, vì vậy nếu một nền văn minh khác có thể khám phá ra Trái đất sau khi con người biến mất, thì trình độ văn minh của họ chắc chắn cao hơn so với những người đã biến mất. Khi họ nhìn thấy đồng vị uranium nhân tạo trên Trái đất, họ sẽ hiểu ra trong nháy mắt rằng đã có một nền văn minh khác ở đây, dù có thể không cao bằng họ, nhưng nó từng tồn tại.
Đằng sau sự tuyệt chủng của loài người
Có thể thấy, ngay cả khi loài người đột ngột tuyệt chủng, các thành phần kim loại, xi măng và chất thải hạt nhân vẫn có thể lưu lại trên Trái đất để minh chứng cho dấu vết của con người trong hàng tỷ năm.
Trái đất sẽ nhào trộn mọi thứ để thay đổi lớp vỏ phía trên cùng.
Nhưng Trái đất luôn chuyển động. Có một tầng nằm giữa lớp vỏ và lớp phủ, chứa đầy các chất lỏng nhớt và nhiệt độ cao. Nó sẽ làm tan chảy lớp vỏ và nuốt chửng mọi thứ, đồng thời nó cũng có thể phun dung nham nóng chảy lên mặt đất để hình thành lớp vỏ mới. Đây là cách Trái đất đã "trao đổi chất" trong khoảng 4,5 tỷ năm qua.
Tuổi của các loại đá được con người phát hiện ngày nay nhìn chung không quá già. Đặc biệt khi so với tuổi của Trái đất, nhiều loại đá chỉ có thể coi là "trẻ con". Và chỉ có một số ít đá có tuổi đời bằng Trái đất còn tồn tại cho đến ngày nay.
Mặt trời bùng nổ sẽ là dấu chấm hết cho mọi dấu vết của con người.
Điều đó có nghĩa là, vào một ngày nào đó, dấu vết về sự tồn tại của con người sẽ bị Trái đất xóa sổ hoàn toàn. Nó giống như việc chúng ta không biết sự sống nguyên thủy là gì cách đây 3,8 tỷ năm. Và trong 4,5 tỷ năm nữa, sau khi chu kỳ bán rã của uranium của con người kết thúc, những dấu vết khác của sự sống có liên quan đến con người có lẽ sẽ không còn tồn tại.
Hơn nữa, tuổi thọ của mặt trời chỉ khoảng 5 tỷ năm. Trước khi kết thúc vòng đời, nó sẽ mở rộng một cách dữ dội. Sao Thủy, Sao Kim, Trái Đất và thậm chí cả Sao Hỏa sẽ bị nuốt chửng bởi quá trình giãn nở này. Khi tuổi thọ của mặt trời kết thúc, toàn bộ hệ mặt trời có thể ngừng tồn tại, chỉ còn lại một ngôi sao lùn trắng còn sót lại, lang thang một mình trong vũ trụ.
Thanks CafeBiz